TIN TỨC

Giải pháp cho thiếu lưu lượng quốc tế khi đứt cáp quang biển

Thứ năm | 26.12.2013 | 18:46
Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way), khoảng 18h ngày 20/12, phân đoạn cáp Vũng Tàu - Hong Kong (Trung Quốc) bị đứt. Sự cố ước tính gây ảnh hưởng tới 60% lưu lượng internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam. Khu vực bị đứt cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278km, thuộc phân đoạn cáp S1H. Sự cố khiến hơn nửa băng thông internet của Việt Nam với quốc tế sẽ bị thu hẹp trong thời gian dự kiến từ 4-7 tuần.
 

Không chỉ người dùng Việt Nam gặp khó khăn khi truy cập những trang nước ngoài mà ngược lại người dùng nước ngoài sẽ rất khó để truy cập các trang web có máy chủ đặt tại Việt nam, đặc biệt là những trang website cung cấp dịch vụ nội dung lớn như nghe nhạc, xem phim, chơi game và thậm chí cả đọc báo. Điều này gây khó cho các doanh nghiệp cung cấp nội dung số ra ngoài biên giới. Không có nhiều cách để doanh nghiệp chủ động khắc phục sự cố kể trên. Ngoài việc chờ đợi cáp biển được hàn nối lại, doanh nghiệp có thể chủ động thuê thêm băng thông quốc tế theo hướng khác, hoặc triển khai thêm hệ thống máy chủ ở nước ngoài. Các hình thức này đòi hỏi một nguồn đầu tư đủ lớn và cần thời gian để triển khai.

Ông Giáp Hùng Cường, CEO VinaCIS cho biết “Thật ra, đây là một tình huống rủi ro điển hình mà người ta buộc phải quan tâm khi đặt mục tiêu đảm bảo hoạt động liên tục của doanh nghiệp lên hàng đầu. Đối với các đơn vị đang cung cấp dịch vụ online thì khả năng sẵn sàng của dịch vụ là điều đầu tiên mà khách hàng hay người dùng chờ đợi. Khi phạm vi phục vụ trải rộng về địa lý, thí chính sự tập trung của hệ thống cung cấp dịch vụ lại là điểm yếu.

Ông Cường tư vấn: “Công nghệ CDN (content delivery network), chính nội dung và thói quen sử dụng của người dùng sẽ quyết định mức độ sẵn sàng của dịch vụ mà họ sử dụng, xét trên hai khía cạnh: khả năng truy cập được và tốc độ truy cập, giải quyết ở lớp nội dung chứ không phải là ở lớp hạ tầng như phi tập trung hóa hệ thống cung cấp dịch vụ chỉ dựa vào đầu tư và xây dựng hệ thống dự phòng.

CDN làm việc trên một nguyên lý rất giản dị: đem những nội dung tạo ra nhiều lưu lượng (traffic) nhất đến gần nhất với người cần nó. Lưu lượng tỉ lệ thuận với số lần truy cập và độ lớn của nội dung; dựa trên nguyên lý và đo lường này, hệ thống cung cấp CDN sẽ có các quyết định thông minh nhất để chuyển dự phòng các nội dung được chọn đến các điểm hiện diện của dịch vụ (POP, point of presence), dĩ nhiên, phải tuân thủ các thiết lập ban đầu của người quản lý, trong đó số lượng và địa điểm các POP là quan trọng nhất, sau đó là những nội dung hay những khu vực nội dung nào sẽ được phân phối qua CDN.

Giả sử, việc thiết lập CDN đã được tiến hành thì bây giờ, khi mà một trong những “xa lộ” kết nối quốc tế quan trọng bị đứt gãy, các nội dung được truy cập nhiều nhất đã có mặt ở các POP khắp mọi nơi trên toàn cầu, trong đó có rất nhiều POP không nằm trong khu vực chịu sự tác động của sự cố, cho nên chất lượng truy cập từ phía người dùng có thể nói là sẽ bị ảnh hưởng không đáng kể”.

CDN hiện nay có thể được cung cấp như một dịch vụ, tức là đơn vị kinh doanh dịch vụ có thể thuê CDN khi cần và ngừng thuê bất cứ khi nào. Trên thị trường quốc tế, có rất nhiều các cung cấp dịch vụ CDN, trong đó tiêu biểu phải kế đến CDNetworks, Akamai và CloudFlare. Ở Việt Nam, trung tuần tháng 12.2013, Liên minh CDN Vietnam đã chính thức công bố dịch vụ của mình; đây là dịch vụ CDN đầu tiên ở Việt Nam.

Ở một động thái khác, khi được hỏi về tình việc khắc phục tình trạng cũng như có bồi hoàn cho khách hàng trong quãng thời gian khó khăn khi truy cập internet vừa qua không, đại diện FPT Telecom chỉ cho biết: “FPT Telecom nói riêng và các nhà cung cấp viễn thông khác tại Việt Nam đều đang bị ảnh hưởng bởi sự cố này. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức trong việc phối hợp với Ban điều hành tuyến cáp quang biển AAG để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. FPT Telecom đã sử dụng tuyến cáp đất liền để chuyên tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng”. Thực tế cho thấy, tuy vẫn còn chập chờn nhưng việc kết nối và truy cập internet đã khá hơn những ngày đầu xảy ra sự cố.

Theo TGS.VN